Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

SH 1

Trương Bình tự cho mình là một thiên tài.

Là thiên tài mặt nào?

Đương nhiên là võ học!

Nửa tuổi, y có thể đem toàn bộ những thứ không vừa mắt ở xung quanh đá xuống giường, cho dù những thứ bị y đá văng là chăn bông do đại ca, nhị ca, đại tỷ đem đến.

Một tuổi, y đã có thể đánh người, đánh cha y khiến mỗi lần ông muốn ôm y, hai tay đều khổ sở giữ chặt lấy. Nhưng không sao, y còn có hai chân.

Hai tuổi, y bất cẩn để con gà mái đẻ trứng của nhà rơi vào lu nước. Vì thế y học tập cổ nhân đập lu cứu kê. Có điều kẻ khác chỉ cần dùng đá đập vỡ, y lại tha cán bột ra giả làm đại đao chém một nhát.

Sau này có người nói lu nước thực sự bị y chém thủng một lỗ. Cũng bởi y chém cái lu tạo thanh âm rất vang nên kinh động đến các hài tử và đại tỷ ở buồng trong chạy ra vớt con gà mái chết đuối, thuận tiện chặn nước trong lu đang chảy rỉ rả. Khi bọn họ trưởng thành, lu nước vẫn hổng một lỗ.

Ba tuổi, y đuổi con chó săn Đại Vượng của nhà chạy quanh vườn. Lúc sau, Đại Vượng tức giận, quay lại thiếu chút nữa cắn mất tiểu tước nhi (cái ấy ấy ý). Y bị hù một mẻ, nện một quyền lên mũi Đại Vượng. Từ đấy, Đại Vượng nhìn thấy y liền cúp đuôi lẩn thật xa.

Năm tuổi, y có thể trèo lên mái nhà. Tuy rằng mục đích chính là giúp cha và đại ca tu bổ nóc nhà nhưng rốt cục lại bị đại ca một cước đạp xuống.

Sáu tuổi thì có người đến mách y gây ra đại sự, y một gậy đánh bất tỉnh lão què buôn bán lừa gạt rồi chạy về. Thuận tiện còn mang theo hai hài tử của thôn khác bị gạt bán đi. Chuyện này có người tấu lên kinh động đến huyện lệnh. Riêng cha y chỉ cười, xoa xoa đầu y nói y tiền đồ bất khả hạn lượng. (rất có tương lai)

Tất cả những chuyện trên đều là do cha mẹ y kể lại, bởi chuyện trước bảy tuổi, y không nhớ rõ ràng.

Các tiểu hài tử khác cũng chưa chắc nhớ rõ chuyện của bản thân từ bảy tuổi đến mười hai tuổi, nhưng y không giống chúng. Y đã từng nói mình là thiên tài, trí nhớ của thiên tài tất nhiên phải hảo hơn thường nhân.

Bảy tuổi, y đánh nhau với một tiểu hài tử trong thôn lớn hơn mình đến ba tuổi tên là Nhị Ngưu, thắng vẻ vang. Y đánh hắn hộc máu mũi phải chạy về nhà gọi mẹ.

Sau đó mẹ Nhị Ngưu cùng Nhị Ngưu tìm y tính sổ, kết quả y bị mẹ mình phát vào mông, nói y dĩ vũ phạm cấm. (dùng võ sai mục đích)

Câu “dĩ vũ phạm cấm” khiến y cuối cùng cũng minh bạch rằng y và các tiểu hài tử khác không giống nhau. Y - kỳ thực chính là cao thủ võ lâm!

Từ đó, Trương Bình không bao giờ tùy tiện xuất thủ với các tiểu hài tử trong thôn. Dĩ nhiên không tính những lần y ra mặt giải cứu các đệ đệ.

Lúc Trương Bình chuyên tâm tập võ, y cảm thấy võ học gia truyền của nhà chưa đủ với mình.

Sau này y tìm được dưới đáy hòm của cha mình một túi vải nhỏ buộc chặt, y bèn tháo ra xem!

Đó là một quyển bí kíp võ công đã cũ nát.

Không sai, chính là bí kíp võ công. Trương Bình dựa vào chính võ học hiện tại của mình mà suy đoán, lật vài trang liền khẳng định bí kíp này có thể luyện ra tuyệt học võ công. Nhưng vấn đề ở đây là quyển bí kíp này không đầy đủ, ở đây mới có một nửa. Khó trách cha y chỉ có thể cất giữ nó đến tận hôm nay.

Nhưng Trương Bình là ai, y chính là thiên tài võ học. Mặc kệ đúng hay sai, y tự phong danh hiệu đó cho mình. Có điều y đối với võ học thực sự rất nhạy bén, so với bất cứ ai trong nhà đều mạnh hơn. Vì vậy y quyết định tự mình tìm ra nửa còn lại còn thiếu.

Ngay lúc y định lên đường bỏ đi tìm kiếm thì tự lúc nào trong nhà đã xảy ra đại sự.

Lại nói tiếp, Trương gia nhà họ trong Phương Đỉnh thôn xem như là một hộ giàu có, mặc dù khá đông con.

Mẹ y sinh được sáu trai, một gái. Ngoại trừ đại tỷ sớm lập gia đình, nhị ca đã ra ngoài lập nghiệp, thì bao gồm cả đại ca đã lấy vợ sinh được hai người con, còn có gia gia, nãi nãi (ông bà nội),  cả gia đình cộng lại đúng mười hai nhân khẩu.

Y là con thứ ba, năm nay mười lăm tuổi, lão tứ năm nay mười hai tuổi, hai đệ đệ còn lại nhỏ hơn, một người tám tuổi, một người mới lên hai.

Nhà y nhân khẩu tuy nhiều nhưng mẹ y là một người khoáng đạt. Đại ca y cũng lấy một thê tử chăm chỉ, giỏi quán xuyến việc nhà. Bà nội và mẹ tuy nhiều lúc có xảy ra bất hòa nho nhỏ nhưng là bà đấu không lại khuôn mặt tươi cười của mẹ y. Một nhà bốn đời chen chúc trong một gian trái lại rất hòa thuận vui vẻ.

Có điều trên đời không chỉ có con người, đã làm người thì không thể cưỡng lại được thiên tai nhân họa. Hai năm gặp nạn hạn hán, một năm nạn sâu trùng khiến đám nam tử trong cái thôn nhỏ vốn tự cung tự cấp ấy khổ sở, cũng có chút tức giận.

Ngoại trừ đại tỷ đã gả đi nên được bên đó quan tâm, thì gia đình nhị ca đã tách ra, tính cả nhạc phụ gia(cha mẹ vợ) đều phải dựa vào nhà y tiếp tế. Cứ như vậy, hai năm nữa trôi qua.

Nhà y tuy đa đinh nhưng người có khả năng ra ngoài làm việc lại ít. Mà lúc này, bụng của đại tẩu lại to lên, cha mẹ y không muốn ưu sầu cũng không được.

Nhìn thấy con dâu mang thai chịu đói đến đứng không vững, cha hắn cắn răng bàn bạc đem bán một hài tử đi để giải khốn.

Trương Bình biết hai năm qua khó khăn nhưng cũng không nghĩ lại khốn khó đến vậy. Y hỏi cha : Người định bán ai?

Cha y nhìn xa xăm, nước mắt lưng tròng.

Bên này, cha y vặn vẹo ngón tay. Không nỡ a!

Nhìn bên kia, hiện tại đói khổ đến mức phải gặm chính gót chân mình. Tiểu oa nhi dẻo dai đến mức nào mà có thể giơ chân lên trước mặt? Càng nhìn càng dễ thương, không nỡ a!

Đứa nhỏ không nỡ, còn đứa lớn? Nhìn về phía lão tứ, hắn vốn được coi là một nhi tử thông minh, lanh lợi, bán hắn rồi tương lai ai ở trong nhà làm rạng rỡ tổ tông.

Sau cùng ông nhìn người trước mặt. Không được, hài tử này đứng đầu trong nhà chỉ sau đại ca, vừa hiểu chuyện, vừa thương người, tuy rằng có điểm lỗ mãng. Ông suy nghĩ đến nổi gân xanh vẫn là sao có thể cam lòng bán y?

Nhìn trái nhìn phải, cha y đặt mông ngồi xuống bậc cửa. Đều là những đứa con máu thịt ông thực lòng yêu thương, đứa nào cũng không nỡ a.

Đại ca y thấy vậy liền mở miệng nói chi bằng đem bán một đứa con gái của hắn.

Đại tẩu không hé răng một lời nhưng đôi mắt hoe đỏ, xem ra phu thê hai người đã bàn bạc trước đó.

Cha y vẫn phân vân cân nhắc, nhi tử không nỡ mà tôn tử tôn nữ càng không nỡ.

Phải làm sao bây giờ?

Ngay khi cha y thiếu chút nữa đi cướp của lấy tiền nuôi gia đình thì có vài người tới thôn, hỏi có ai nguyện ý làm người hầu trong cung? Từ tám đến mười tám tuổi, chỉ cần khỏe mạnh không biết chữ là được. Còn nói nếu được tuyển sẽ được cấp bốn mươi lượng an cư.

Hỏi nhập cung làm gì, nói là đi làm thái giám. Tức khắc có không ít người muốn bán hài tử liền quay về.

Trương Bình gãi gãi đầu, bỏ đi, cha y đang sầu. Bất quá là cắt tiểu tước nhi, nhớ năm xưa nếu Đại Vượng cắn mất thì hiện tại ngay cả hoạn cũng không thể. Nói đi nói lại, Trương gia nhiều nhi tử, căn bản không sợ đoạn tử tuyệt tôn, có một người đi làm thái giám dường như cũng không sao.

Huống hồ còn được cấp bốn mươi lượng bạc an cư. Bốn mươi lượng a! Một món tiền lớn a! Hơn nữa nghe nói vào cung làm việc mỗi tháng đều có bạc, nếu làm tốt thì không chỉ rạng rỡ tổ tông mà còn được sống no ấm, chưa biết chừng còn có thể phụ giúp gia đình.

Càng nghĩ càng thấy có đường sống, Trương Bình liền chạy đi báo danh. Người môi giới gọi thôn trưởng đến hỏi gia cảnh nhà y, cuối cùng mới hỏi điều quan trọng nhất : Trương Bình là người như thế nào?

Thôn trưởng nhìn Trương Bình, môi run rẩy nói một câu : Hài tử này là một đứa trẻ tốt, kính lão ái ấu (kính già thương trẻ), có gan chịu khổ, thỉnh thoảng mắc lỗi do thiếu suy xét nhưng không nhiều lắm.

Môi giới vừa nghe đã biết đây chính là một thái giám có triển vọng a! Cần một thái giám biết luồn cúi làm gì? Bên trên chẳng phải đang cần một thái giám thành thật, chịu được khổ nhọc sao.

Người môi giới nghĩ Trương Bình sau này sẽ không xảy ra vấn đề gì, liền quan sát y từ trên xuống dưới vài lần mới nói : Bốn mươi lượng bạc an cư, ta cho ngươi hai mươi lượng, còn lại để ngươi đem đi hiếu kính. Nếu như ngươi đồng ý thì nhận lời ngay bây giờ.

Người môi giới căn bản không sợ y không đồng ý, làng quê hẻo lánh bần cùng còn rất nhiều. Kẻ muốn đưa hài tử vào cung nhiều hơn mọi người vẫn nghĩ. Đặc biệt còn có kẻ hoạn hảo hài tử rồi đưa đến tận hoàng thành, đút bạc mong chờ tiến cung ấy chứ!

Huống chi bọn họ từ trong nội cung, phủ ti đi ra, khác với những kẻ môi giới bên ngoài, tuyển hài tử thể lực tốt vào hoạn trong cung, không cần tự mình động thủ hoặc mất bạc nhờ người làm. Nếu như tự làm rồi chết cũng uổng!

Trương Bình hỏi thái giám trong cung bình thường mỗi tháng được bao nhiêu ngân lượng. Đối phương trả lời, mỗi tháng được hai lượng bạc còn có năm đấu gạo, tính ra mỗi năm so với cửu phẩm quan văn có nhiều hơn. Có điều hắn không nói rõ cho Trương Bình biết, nguyệt ngân của thái giám thường thường phân nửa hiếu kính thượng cấp, trong hai, ba năm đừng hy vọng để dành được tiền.

Trương Bình lúc đó không biết điều này. Y ngẫm thấy nghề này không xấu, còn bảo đảm chỗ ăn chỗ ở, cũng không muốn lão cha mình phải mạo hiểm ra ngoài cướp của, liền dùng ngón cái nhúng mực đỏ điểm chỉ.

Thôn trưởng muốn báo tin cho cha mẹ y mà không kịp, mắt mở trừng trừng nhìn chỉ ấn.

Y cho rằng thái giám là như thế nào? Hài tử này sao có thể ngốc như vậy?

Cha mẹ y thấy y cầm hai mươi lượng trở về rồi thuật lại nguyên do, choáng váng xây xẩm.
Đệ nhất chương
Một tiếng sấm rền vang lên phía chân trời. Sau đó, một tia sét mạnh mẽ rạch ngang trời đêm, kèm theo đó là tiếng nổ lớn.

Bầu trời tựa hồ như có cái gì đó hắc ám, cuồn cuộn kéo đến cùng với mỗi lần sét đánh. Nháy mắt, gáo trời trút mưa xuống như muốn cuốn trôi vạn vật thế gian. Mưa nặng hạt, rơi dày đặc trên mái hiên, mặt đất, âm thanh “ào ào” hầu như át đi tiếng la thảm thiết truyền đến từ Thụy hoa cung.

“Đã qua thời gian dài như vậy, thế nào còn chưa sinh?” Thắng đế đi tới đi lui tại Ngự thư phòng, lo lắng chất vấn một cung nữ.

“Khởi bẩm hoàng thượng, phụ nữ sinh con đều là như vậy. Huống chi Hiền phi nương nương đang mang long tử. Thỉnh hoàng thượng an tâm, thần phật ở trên tất sẽ phù hộ long tử cùng Hiền phi nương nương bình an.” Thị nữ vội vã quỳ xuống trả lời.

Những người khác thấy thế cũng cùng nhau quỳ rạp trên đất, miệng hô: “Thần phật ở trên, tất sẽ phù hộ long tử và Hiền phi nương nương bình an.”

“Đủ rồi!”

Thắng đế mở miệng định phát nộ.


“Oa ——!”

Một thanh âm trẻ con khóc ré lên hòa cùng tiếng sấm rền nơi chân trời. Đáng tiếc là xa tại Ngự thư phòng, hoàng đế không thể nghe được.

Nhưng không lâu sau thì có người chạy đến bẩm báo:

“Bẩm —— Hiền phi sinh hạ hoàng tử, mẫu tử đều bình an.”

“Chúc mừng hoàng thượng, chúc mừng hoàng thượng, long tử hạ sinh, thiên hạ bình an. Hoàng gia chúng ta vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế.“ Nghe được hỷ sự, mọi người vội vã cùng tung hô chúc mừng.

Đương kim thánh thượng nhất thời chuyển nộ sang hỉ, ống tay áo phất lên, lập tức hướng Thụy hoa cung khởi giá.


Mà lúc này, bên trong Thụy hoa cung so với bên ngoài thật trái ngược.

Tĩnh lặng! Ngoại trừ tiếng trẻ con khóc tỉ tê, không hề nghe thấy thanh âm kẻ khác.

Vị cung nữ phụ trách đỡ đẻ ôm đứa bé trong tay, vẻ mặt ngẩn ngơ, nhìn kỹ có thể thấy được cánh tay nàng đang run lên, mà sắc mặt cũng một mảnh tái nhợt.

Bên trong các cung nữ phụ giúp tắm rửa, cắt cuống rốn đứa bé, không ai nói gì mà cùng nhau nhìn tỳ nữ ấy, sắc mặt ẩn chứa sợ hãi.

“Hồng Tụ, là nam hài hay nữ hài?” Hiền phi vừa sinh xong, không chú ý đến bầu không khí kỳ dị trong điện. Nàng vừa tỉnh lại đã truy hỏi cung nữ hầu cận.

“Là hoàng tử, thưa nương nương.” Quỳ gối bên mép giường, người cung nữ run giọng trả lời.

“Hoàng tử!” Dù vừa sinh con mệt mỏi, mắt Hiền phi nhất thời sáng lên. “Mau! Mau ôm hài tử đến cho bản cung nhìn.”

Hồng Tụ vội ngăn cản.

“Nương nương, thân thể người hiện tại còn. . . . . .”


“Hoàng thượng giá lâm ——”

“Hoàng thượng!” Hiền phi nương nương nghe thấy thiên tử đích thân tới, trong lòng càng vui sướng vạn phần. Hồng Tụ thuật lại trong thời gian nàng lâm bồn, hoàng đế đều chờ tại Ngự thư phòng. Nàng vừa mới sinh hạ hoàng tử, hoàng đế đã tới rồi, vậy đối với nàng mà nói thì đây chẳng phải chính là nhất phân vinh sủng ? Cũng bất chấp hậu sản thân thể suy yếu, nàng gắng gượng ngồi dậy.

“Nương nương, người. . . . . .”

“Nô tỳ cung nghênh hoàng thượng, hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế “

Tất cả phục xuống bái kiến, kể cả nữ tì đang ôm hoàng tử. Hiền phi đã ở trên giường phục thân, biểu thị cung nghênh.

“Ái phi mau mau đứng lên, nàng đã vất vả rồi. Mau cho trẫm nhìn Tứ hoàng tử.” Đương kim thánh thượng Hoàng Phủ Thắng ba bước rồi hai bước đi tới trước giường nâng Hiền phi dậy, quay nhìn thị nữ ra hiệu, ý bảo nàng ôm hoàng tử đến bên mình.

Hoàng Phủ Thắng ngồi xuống bên mép giường, Hiền phi cũng không dám dựa người vào thành giường, một tay chống đỡ thân mình, vội nhìn về phía nữ tì.

Đó chính là hài tử của nàng, niềm hy vọng của nàng.

Nàng đã nghe thấy tiếng khóc mạnh mẽ, chứng tỏ hài tử của nàng khỏe mạnh cường tráng, tương lai có thể trở thành chỗ dựa vững chắc cho nàng.

Nữ tì ôm hài tử đi bước một hướng đương kim thiên tử tới gần, càng đến gần, càng run rẩy dữ dội.

Tiếng khóc của hài tử lại vang lớn, nó vừa chào đời, chuyện gì cũng không biết, chỉ biết khóc thật to.

Gần, càng ngày càng gần hơn.

Hoàng Phủ Thắng không chờ nổi bước chân chậm chạp của nữ tì, dứt khoát đứng dậy, duỗi cánh tay mạnh mẽ đỡ lấy hài tử của mình.


Hài tử này là con của Hiền phi, đối với ngài rất đặc biệt. Ngoại trừ Đại hoàng tử, chưa từng có hoàng tử nào sinh ra khiến ngài mong chờ như vậy. Ngài mong muốn đứa con này tương lai lớn lên sẽ bảo vệ ngài và đệ muội, thậm chí đã sớm nghĩ cho nó một cái tên hay. Hài tử này và các huynh đệ của nó đều sẽ mỹ ngọc hữu quan (sáng đẹp như ngọc) trong đó nó sẽ đứa mạnh mẽ nhất, xinh đẹp nhất. . . . . .


“Đây là cái gì? !” Hoàng đế rống lên giận dữ, ngài không thể tin thứ bản thân đã thấy trong tã lót.

“Thật hoàng tử của trẫm? Loài yêu ma quỷ quái này mà các ngươi dám đem. . . . . . !”

“Xin hoàng thượng tha mạng, hoàng thượng tha mạng a!” Tất cả cung nữ cùng nhau quỳ xuống khóc la thảm thiết.

Vị cung nữ đỡ đẻ lê gối đến, liều mạng dập đầu nói: “Nô tỳ không dám lừa gạt hoàng thượng, quả đây là hoàng tử do Hiền phi nương nương sinh ra trong cung. Xin hoàng thượng tha mạng, hoàng thượng tha mạng!” Người tỳ nữ dập mạnh liền hai, ba cái muốn vỡ đầu.

Các cung nữ khác quỳ rạp trên đất chật phòng, chỉ biết cầu xin tha thứ, bởi vì các nàng biết mệnh của họ rất có khả năng không qua được tối nay.

“Hoàng thượng. . . . . . Con của ta. . . . . .” Hiền phi không hiểu xảy ra chuyện gì, thanh âm run rẩy, vừa muốn đưa mắt nhìn hài tử, lại vừa không dám.

Hoàng Phủ Thắng xoay người, mắt vừa thấy Hiền phi, mặt đã bừng lửa giận. Cánh tay ngài giơ cao lên, hướng mặt đất quẳng xuống.

“Oa——!Phanh——!”

Một đạo lôi điện cực kỳ kinh người nổ vang trên nóc nhà.

Tay Hoàng Phủ Thắng run lên, trong lòng tã lót là lớp chăn bông dày. Áo ngủ bằng gấm bọc lấy tiểu hài tử tuột ra, ở giữa là đứa bé da dẻ nhăn nheo, oa oa khóc.

Tiểu thân thể tất thảy đều có màu đỏ, không chừa chỗ nào, khuôn mặt nhỏ nhăn nhúm, đỏ tươi. . . . . .

“A a a ——!” Hiền phi thấy rõ đứa trẻ con trong tã lót, tức khắc bị dọa, kêu thảm một tiếng liền ngất đi.

Hoàng Phủ Thắng vẻ mặt chán ghét, liền phất tay áo rời đi. Đúng là ngay cả liếc mắt nhìn lại một cái cũng không, trong phủ chỉ còn vọng ra tiếng khóc lạc giọng của hài nhi.

Hoàng đế đã ly khai, cung nữ trong phòng mới bạo dạn đứng dậy. Các nàng đang chờ đợi, đợi xem mệnh họ sinh hay tử.

Vị cung nữ đỡ đẻ cũng ngẩng đầu lên, máu chảy xuống khuôn mặt tú lệ. Nàng hung hăng hướng giường trẻ con nhìn trừng từng. Trong mắt nàng lóe lên một tia oán độc không gì sánh được. Đứa trẻ này là ác ma, vừa sinh ra đã muốn hại nhân! Hoàng tử sinh ra trong phủ xấu xí quái thai, bất luận có giấu diếm hay không, kẻ phụ trách sinh nở hẳn phải chết, điều này không hề nghi ngờ.

“Oa —— oa ——” trên giường đứa bé cái gì cũng không biết, chỉ biết khóc, mà nó cũng chỉ có thể khóc.

Khóc nhiều khiến khuôn mặt nhỏ vốn nhăn nhúm lại càng có thêm nhiều nếp nhăn, khóc đến không còn thấy mặt mũi, chỉ có thể nhìn được hàng mi cốt (gờ lông mày) nho nhỏ trên mặt cao hơn thường nhân, ấn đường chia ra lưỡng đạo, bớt màu huyết. Cái bớt kéo dài từ khóe mắt đến gần tai, hình chữ nhân (人).

Không lâu sau thánh chỉ hạ xuống, đêm ấy, các cung nữ liên quan đến sinh nở của Hiền phi chỉ cần thấy hoàng tử, bao gồm cung nữ đỡ đẻ lẫn các nữ quan bên trong, tổng cộng mười một nhân mạng, toàn bộ đều bị trượng tễ (đánh đến chết). Lý do là các nàng âm hiểm mua thi chú nguyền rủa hoàng tử, cuối cùng còn lục soát thấy trong phòng tỳ nữ đỡ đẻ cho Hiền phi một hình nộm có ghi ngày sinh nở, trên bụng hình nộm vẽ một khuôn mặt xấu xí.

Ba tháng trôi qua, vì bị các đại thần ở Lễ bộ thúc giục, đương kim thánh thượng rốt cục đành ban cho Tứ hoàng tử danh : Kiệt.

Kiệt, đồng nghĩa với tai ương, cũng là xấu xí, hung ác.
(cũng là muốn nhắc đến vua Kiệt cuối đời Hạ, tương truyền là một hôn quân bạo chúa)

Biết được hài tử của mình bị đặt cho tên của hôn quân đời trước, Hiền phi khóc lóc đến độ mê man bất tỉnh không biết bao nhiêu lần.

Hài tử của nàng không những không được như ước ao của nàng, mà còn tuyệt diệt mọi hy vọng.

Ngày lại ngày, sự sủng ái của hoàng đế với nàng xưa kia không bao giờ quay trở lại nữa…

Nhiều phi tần mượn danh an ủi chạy đến xem dị nhân nàng sinh ra, cười nhạo nàng mất đi hoàng sủng.

Hiền phi ngày càng tịch mịch, sinh ra thống hận, ghen ghét muốn chà đạp lên tất cả.

Bởi vì sau khi sinh hài tử, hoàng đế không chỉ không hề triệu nàng thị tẩm, mà còn không triệu đến dự yến hội hoàng gia.

Nàng không gặp được hoàng đế, sẽ không có biện pháp được tái sủng ái. Không được sủng ái, nàng không thể thụ thai lần nữa, càng không thể tái sinh thêm hoàng tử đảm bảo cho địa vị của mình.

Nếu như không có nó thì tốt biết bao.

Nếu như nó vừa ra sinh ra đã chết yểu thì tốt biết bao.

Nếu như nó trở thành thai lưu, sẽ tốt biết bao. Nếu như vậy, trái lại bệ hạ còn thương tiếc cho nàng mất đi hài tử mà đối xử tốt hơn, cũng có khả năng nàng sẽ nhân lúc hỗn loạn bèn nói thứ đáng ghét kia là nữ hài.

Nhưng hôm nay, những điều này …. đều là mộng.

Nó, ở ngay kia.

Không thể giết, cũng chẳng thể tưởng nhớ.

--------------
Hồng Tụ không chết, nàng được giữ lại bởi hài tử vẫn cần có người chăm sóc. Hoàng đế lúc đó không có giết nó xuất phát từ nhiều lý do, nàng cũng không thể giết nó. Dẫu sao, tốt xấu gì nó vẫn là người.

Hồng Tụ nhìn ra nàng muốn hài tử kia chết đi, Hồng Tụ nhắc nhở nàng : Người không thể động đến nó. Kẻ khác có thể làm nhưng Người vạn lần không nên. Nếu như để cho ai đó biết được… sẽ bị vin cớ tấu lên. Hoàng thượng dù muốn nó biến mất thật nhưng nó vẫn là con ngài. Nó chết, chuyện này nhất định bị truy cứu.

Đến lúc đó đừng nói là nương nương, đến cả phụ thân ở trong triều cũng bị liên lụy. Vì thế nương nương khả dĩ bất dưỡng y, nhưng không thể giết y.

Hiền phi cũng hiểu rõ đạo lý ấy, thế nhưng rõ ràng vốn là một hoàng tử dễ bị người ta ám hại nhất, hôm nay lại trở thành hoàng tử an toàn nhất trong cung.

Nàng hận! Tất cả mọi người đều biết Hiền phi sinh ra một nhi tử xấu xí khiến hoàng đế chán ghét, đến cái tên cũng không giống các huynh đệ khác. Một cái tên nghe xong làm người ta phải sởn lạnh.

Kẻ làm cha đã không đau, kẻ làm mẹ cũng không thương đứa con dị nhân, để nó sống còn bị cái gì uy hiếp? Trái lại, nếu nó chết, Hiền phi cùng gia đình tuyệt lộ.




-------------
Hoàng Phủ Kiệt tiếp tục sống, lớn lên trong cung. Dù cho mẫu thân nhìn hắn thống hận, phụ hoàng xem thường hắn, cung nữ, thái giám chán ghét hắn, phi tần, hoàng tử, hoàng nữ đều cười nhạo hắn. Phải chịu đừng lời lẽ lạnh nhạt, sự ngược đãi, hành hạ, quanh năm gian khổ, ăn cũng không đủ no…. hắn vẫn sống!

Hoàng Phủ Kiệt là một hài tử vô tri lặng lẽ.

Hắn sống, thế nhưng sống được rất đau xót. Hắn không hiểu mình khiến ai chịu bi ai, hắn chỉ biết là bị đánh hội đồng, bị mắng chửi, bị đói bụng đến hoa mắt chóng mặt, không thể đứng vững.

Lúc đầu, hắn còn khóc với kẻ hầu, với Hồng Tụ, xin người ta đến cứu. Lâu dần, hắn biết rằng có kêu cũng vô dụng, trái lại càng làm cho kẻ khác ghét mình.

Hắn nghĩ, ghét hắn nhất hẳn là mẫu thân, thứ nhì là người phụ trách chăm sóc hắn – Hồng Tụ. Sau đó lần lượt là các nương nương trong cung, các cung nữ thái giám, huynh đệ tỷ muội. Tuy rằng hắn chưa từng gặp qua bọn họ, thế nhưng có người nói rằng họ giống phụ hoàng, đều phi thường chán ghét hắn.


A, đến ngoại công cũng phi thường ghét bỏ hắn. Thậm chí lúc Hồng Tụ đưa hắn đến chỗ ông, ngoại công chỉ ở xa xa nhìn hắn một cái rồi cau mày quay sang chỗ mẫu thân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét